1. Bảo hiểm vật chất ô tô là gì?
Đây là gói bảo hiểm không bắt buộc khi bạn mua ô tô nhưng lại rất cần thiết vì có tác dụng chia sẻ cùng chủ xe chi phí sửa chữa khi xảy ra các sự cố mất cắp, va chạm bất ngờ, ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, mỗi hãng bán bảo hiểm lại có những chính sách riêng về điều kiện áp dụng, quyền lợi và mức giá. Thông thường chi phí này sẽ được tính theo % giá trị của xe. Ngoài ra sẽ còn tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà khách hàng chọn mua sẽ có các dịch vụ khác nhau phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế của mình.
2. Các gói dịch vụ trong bảo hiểm vật chất xe ô tô và những lưu ý khi chọn mua
Như đã nói, tùy vào chính sách của từng hãng, mức giá... mà gói bảo hiểm vật chất sẽ có các dịch vụ kèm theo khác nhau, tùy vào khả năng tài chính cũng như môi trường đi lại của mình mà người mua cân nhắc chọn gói cho phù hợp. Kinh nghiệm chung là, nếu chiếc xe bạn sở hữu có giá trị trung bình (trên dưới 1 tỷ đồng) thì nên mua bảo hiểm thân vỏ và ngập nước (thủy kích), còn với trường hợp là các dòng xe sang thì nên mua thêm bảo hiểm mất cắp bộ phận.
Sau đây là các yếu tố chính yếu cần chú ý khi chọn mua một gói bảo hiểm vật chất cho xe ô tô:
2.1 Bảo hiểm thủy kích, thiên tai ngập lụt
Đối với bảo hiểm thủy kích hoặc bảo hiểm ngập lụt do thiên tai, dù rất quan trọng nhưng không phải công ty bảo hiểm nào cũng cung cấp dịch vụ này nên bạn cần hỏi rõ xem gói bảo hiểm mình chuẩn bị mua có kèm hai mục này hay không. Chi phí thay thế, sửa chữa khi xe bị tổn thất này là khá lớn, đặc biệt đối với những dòng xe sang nhập khẩu thì thiệt hại do thủy kích có thể từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng nên hãy chú ý thật kỹ và đừng tiếc tiền mua kèm thêm hai hạng mục này trong gói bảo hiểm của mình.
2.2 Bảo hiểm mất cắp phụ tùng
Với loại bảo hiểm này thì bạn cần lưu ý là nhiều công ty sẽ không bồi thường nếu xe bị bẻ kính chiếu hậu khi đang đỗ ngoài đường mà không có người trông. Có công ty còn giới hạn số lượng phụ tùng bị mất cắp, có công ty lại chỉ giới hạn số vụ mất cắp. Cũng có công ty không yêu cầu việc để xe ở nơi có người trông coi có phiếu gửi xe với 2 lần/năm và không giới hạn số lượng phụ tùng bị mất cắp…
Với tình trạng rủi ro an ninh cao như hiện nay, việc "đính kèm" khoản đền bù khi chẳng may bị mất cắp gương hay các chi tiết trang bị ngoại thất là điều bạn nên làm, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng" nhé.
2.3 Cứu hộ miễn phí, lựa chọn nơi sửa chữa
Một số công ty bảo hiểm chỉ hoàn trả chi phí cứu hộ nếu khách hàng có mua thêm quyền lợi lựa chọn garage sửa chữa và có hạn chế về phạm vi và điều kiện cứu hộ. Chi phí sửa chữa ở garage chính hãng có thể cao hơn 15% - 20% nên trong bảng chào giá của nhiều công ty bảo hiểm khách hàng phải trả thêm phí nếu muốn được tự chọn garage sửa chữa.
Bên cạnh đó, chủ xe cũng nên tìm hiểu danh sách những garage chính hãng do công ty bảo hiểm trực tiếp thanh toán chi phí vì việc yêu cầu bồi hoàn từ công ty bảo hiểm có thể sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp khác.
3. Cách mua bảo hiểm vật chất tiết kiệm chi phí
Mức phí tất nhiên là yếu tố mà nhiều người rất quan tâm, nhưng đây không nên là yếu tố có vai trò quyết định. Phí thấp thì chất lượng dịch vụ cũng tương xứng, mà trong một vài trường hợp nếu khách hàng không chú ý đọc kỹ hợp đồng thì có khi tưởng rẻ lại hóa đắt. Do đó, khách hàng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chứ không nên chỉ quan tâm về mức phí bảo hiểm.
3.1 Lựa chọn mức miễn thường cao
Mức miễn thường là khoản tiền mà khách hàng chia sẻ rủi ro với công ty bảo hiểm trong mỗi vụ tổn thất.
Có hai loại miễn thường: miễn thường có khấu trừ (còn gọi là khấu trừ) và miễn thường không khấu trừ:
- Miễn thường có khấu trừ là khoản chi phí mà khách hàng phải tự chịu cho mỗi và mọi tổn thất trước khi công ty bảo hiểm chi trả các chi phí còn lại.
- Miễn thường không khấu trừ là khoản chi phí mà khách hàng phải chịu cho mỗi và mọi tổn thất có chi phí nhỏ hơn mức miễn thường, trái lại công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ các chi phí tổn thất.
Ví dụ minh họa:
- Trường hợp miễn thường có khấu trừ: Nếu khách hàng mua bảo hiểm vật chất cho xe với mức miễn thường có khấu trừ 500.000 đồng. Khi có tổn thất xảy ra cho xe và chi phí khắc phục tổn thất là 500.000 đồng trở xuống thì khách hàng phải tự thanh toán chi phí. Khi có tổn thất xảy ra với chi phí khắc phục tổn thất trên 500.000 đồng (ví dụ 5.000.000 đồng), khách hàng sẽ phải tự thanh toán 500.000 đồng, công ty bảo hiểm phải thanh toán chi phí còn lại (4.500.000 đồng).
- Trường hợp miễn thường không khấu trừ: Nếu khách hàng mua bảo hiểm vật chất cho xe với mức miễn thường không khấu trừ 500.000 đồng. Khi có tổn thất xảy ra cho xe và chi phí khắc phục 500.000 trở xuống thì khách hàng phải tự thanh toán chi phí. Khi có tổn thất xảy ra với chi phí khắc phục lớn hơn 500.000 đồng (ví dụ 5.000.000 đồng), khách hàng sẽ không phải trả bất kỳ chi phí nào, công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ chi phí khắc phục tổn thất (5.000.000 đồng).
Thông thường ở Việt Nam, mức miễn thường là 500.000 VND. Nếu bạn tăng lên 1.000.000 VND, bạn có thể tiết kiệm phí được 20-30% khi có sự cố xảy ra vì mức miễn thường càng cao thì tỉ lệ phí bảo hiểm càng thấp, tuy nhiên không phải công ty bảo hiểm nào cũng có lựa chọn tăng mức miễn thường. Nhưng nếu lựa chọn phương án này, bạn phải lái xe hết sức cẩn thận bởi hầu hết các vết xước trên thân xe sẽ không được bồi thường.
3.2 Mua bảo hiểm theo nhóm, mua kỳ hạn dài hoặc tại garage chính hãng
Nếu bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn đang đều có nhu cầu mua bảo hiểm, bạn nên tập hợp lại và mua theo nhóm sẽ được mức phí và nhiều điều kiện ưu đãi hơn. Tương tự như thế, nếu bạn mua gói 03 năm thay vì mua hàng năm thì bạn cũng sẽ tiết kiệm được từ 20-30% chi phí nếu mua 1 lần. Hoặc bạn có thể mua qua các công ty môi giới bảo hiểm có liên kết chính hãng, bởi vì các công ty môi giới này thường tập hợp được nhiều khách hàng để đàm phán một chương trình bảo hiểm riêng với các công ty bảo hiểm với mức giá cực kỳ cạnh tranh và quyền lợi ưu đãi.
Chúc bạn sẽ lựa chọn được cho mình được đơn vị cung cấp bảo hiểm ưng ý cho xế yêu của bạn.
Liên hệ: 07799.47799 hoặc 0949.58.66.77 để chúng tôi có thể giúp bạn.